Đưa hàng EU: Cơ hội mới từ những thị trường quen
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và ký kết FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Vấn đề còn lại là các hoạt động xúc tiến để tìm được bạn hàng mới trên thị trường cũ.
Cơ hội mới, bạn hàng mới
Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng từ 4,1 tỷ USD lên 24,29 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,74 tỷ USD.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đạt 90,08% kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.
Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, chỉ tính về thương mại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4-6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm) so với không ký kết.
Bên cạnh hiệp định TPP, năm 2016 được đánh giá là năm bản lề của nền kinh tế khi Việt Nam đã có những bước hội nhập mạnh mẽ với các nước trong khu vực và thế giới thông qua việc gia nhập cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và các Hiệp định thương mại được ký kết như như FTA-EU, FTA-Hàn Quốc, TPP, …
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức hội nhập. Chính vì thế, việc chuẩn bị ngay từ trên sân nhà để sẵn sàng hội nhập là điều rất quan trọng. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối giao thương cần được các doanh nghiệp chú trọng bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp Tân Á Đại Thành cho rằng lợi thế cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước FTA là cơ hội để phát triển xuất khẩu, điều này sẽ tạo thêm động lực cho sản xuất, mở rộng thị phần kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.
Một thế mạnh khác khi Việt Nam tham gia hội nhập là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh. Điều đó cũng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đẩy mạnh tìm bạn hàng mới
Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, trong đó Cộng hòa Belarus là 1 trong 5 thành viên. Sự kiện này mở ra những bước phát triển mới trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các thành viên mới. Trong đó, Cộng hòa Belarus vốn là một thị trường quan thuộc của Việt Nam trước đây.
Hiện nay, Belarus là thị trường thứ 124 trong số các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và là thị trường thứ 59 cung cấp hàng hóa cho Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Kim ngạch thương mại hai chiều 8 tháng năm 2015 đạt 95,8 triệu USD. Và trong nhiều năm gần đây, khi Việt Nam đang tìm cách bán các mặt hàng truyền thống của mình sang Belarus thì nước này cũng đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các mũi nhọn: công nghiệp. luyện kim, hóa chất, chế tạo sang Việt Nam…
Tại Hội chợ Vietnam Expo thường niên lần thứ 26 sẽ được tổ chức từ ngày 13-16/04 tại Hà Nội, có sự tham gia của Cộng hòa Belarus, đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối giao thương, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Mặc dù chưa đầu tư mạnh vào thị trường Belarus, nhưng các doanh nghiệp đều nhận thấy đây là cơ hội để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Bà Phạm Bích Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Kona cho hay, thông qua hội chợ quốc tế Vietnam Expo, doanh nghiệp mong muốn tiếp được tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài, đây cũng là hội chợ lớn được các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Doanh nghiệp được tiếp xúc với các doanh nghiệp có tiềm năng hợp tác, đồng thời là cơ hội để quảng bá sản phẩm mới tới người tiêu dùng.
Ông Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, lượng DN Hàn Quốc tham gia qua các năm ngày càng tăng. Các sự kiện xúc tiến thương mại này này có ý nghĩa rất lớn, đem lại nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.
Còn ông Jan Proks – Tổng giám đốc Hiệp hội Điện – điện tử Czech và Moravian cam kết: “Đối với các công ty thương mại, đối tác của chúng tôi là tất cả những ai muốn vào thị trường chung EU và chúng tôi sẵn sàng là cầu nối”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Tân Á Đại Thành, bên cạnh những thuận lợi được đề cập ở trên, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi Việt Nam gia nhập FTA. Những rủi ro đến từ sự cạnh tranh của các thị trường quốc tế tràn vào nội địa, rủi ro từ chính thị trường trong nước với cơ cấu kinh tế, thể chế…