Đánh dấu bước phát triển của ngành công nghiệp gang thép
Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng có vốn đầu tư trên 1.910 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 79,54 ha tại xã Chu Trinh, huyện An Hòa, tỉnh Cao Bằng, là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của tỉnh Cao Bằng. Dự án có công suất 220.000 tấn phôi thép/năm, với công nghệ tiên tiến, phù hợp với khả năng nguồn nhiên liệu trong tỉnh. Dự kiến giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 1 năm 2011. Để tìm hiểu rõ hơn về Dự án này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện với ông Nông Minh Huyễn – Giám đốc Công ty CP Gang thép Cao Bằng..
Ông có thể cho biết những điểm nổi bật của Dự án liên hợp gang thép lớn nhất tỉnh cũng như tiến độ thực hiện Dự án?
Điểm nổi bật của Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng đó là: Sản xuất phôi thép từ quặng sắt bằng thiết bị tiên tiến, công nghệ truyền thống của Trung Quốc. Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng bao gồm 4 nhà máy chính: Nhà máy thêu kết (diện tích 36m2) với sản lượng 399.200 tấn quặng thêu kết/năm; Nhà máy luyện gang (1 lò cao dung tích 179m2) với sản lượng 219.300 tấn nước gang/năm; Nhà máy luyện thép – Đúc liên tục gồm 1 lò chuyển thổi đỉnh (20tấn/mẻ) và 1 máy đúc liên tục 2 dòng công suất 221.600 tấn phôi thép/năm; Nhà máy sản xuất Ôxy có công suất 3.800m3/h và các hạng mục phụ trợ.
Về tiến độ của Dự án bao gồm: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử 18 tháng (dự kiến đến tháng 11/2011 xong công tác chạy thử và bàn giao).
Theo ông đâu là điểm mấu chốt quyết định sự thành công của Dự án?
Điểm mấu chốt quyết định sự thành công của dự án, đó là hiệu quả kinh tế – xã hội của Dự án, cụ thể là: Dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp gang thép ở các tỉnh miền núi. Điều đó sẽ tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp liên quan như: Công nghiệp hóa chất; Xây dựng; Giao thông vận tải; Chế tạo thiết bị điện… qua đó, góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.
Hơn nữa, khi Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết được hơn 1.500 lao động làm việc trong Khu liên hợp có thu nhập ổn định và tạo ra khoảng 15.000 việc làm cho người lao động khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Kèm theo đó sẽ có một hệ thống dịch vụ công cộng hoàn chỉnh, tạo điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục và trình độ dân trí nói chung sẽ được nâng cao.
Ngoài việc tạo ra nhiều việc làm cho lao động của địa phương, giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, đem lại đời sống tốt hơn cho hàng ngàn gia đình đồng bào các dân tộc của tỉnh Cao Bằng, Dự án còn nâng cao mức sống cho nhân dân, giảm các tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trong khu vực miền núi biên giới phía Bắc của đất nước.
Năm 2009 là một năm thực sự khó khăn với các doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ những thách thức mà Gang thép Cao Bằng đã phải đối mặt và đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này? Những bài học kinh nghiệm được rút ra?
Công ty CP Gang thép Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án như: Việc bố trí các nguồn vốn cho dự án; Vốn góp của các cổ đông chưa kịp thời do bị ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế nên Công ty gặp khó khăn trong việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu; Các nhà thầu thực hiện một số gói thầu của dự án cũng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nên gặp khó khăn trong việc huy động thiết bị thi công làm chậm tiến độ của các gói thầu.
Để giải quyết những khó khăn trên, Công ty đã kiên trì đàm phán với các nhà thầu, đối tác một cách linh hoạt để họ chấp nhận những điều kiện có lợi cho Công ty. Cùng với đó, Công ty còn tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành của tỉnh Cao Bằng, của Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin và của các cổ đông. Ngoài ra, Công ty còn giải quyết tốt thủ tục quản lý hành chính, quản lý đầu tư theo luật định; Tập trung điều hành quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình xây dựng; Thanh toán ngay khối lượng thi công hoàn thành cho các nhà thầu khi có nguồn tài chính.
Từ thực tiễn hoạt động, Công ty đã rút ra những kinh nghiệm, bài học bổ ích cho mình như: Phải chủ động, sáng tạo nắm bắt thời cơ, vận dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; Không ngừng củng cố đội ngũ, nâng cao kiến thức nhằm hoàn thiện nguồn lực quản lý.
Theo ông, để các doanh nghiệp Cao Bằng nói chung cũng như Gang thép Cao Bằng nói riêng phát triển mạnh hơn nữa thì cần những điều kiện gì?
Có thể nói Cao Bằng trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp Xây dựng cơ bản và hậu thương mại. Chính vì vậy, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất chưa nhiều, tuy có một số doanh nghiệp đã đầu tư nhưng sản xuất không ổn định, hiệu quả không cáo và bền vững. Do vậy, để các doanh nghiệp tại Cao Bằng có điều kiện phát triển hơn nữa, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp thì Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút riêng đối với tỉnh miền núi, khó khăn như Cao Bằng. Chẳng hạn, Nhà nước đầu tư xây dựng một số Khu công nghiệp để sản xuất các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như: Chế biến khoáng sản, nông – lâm sản…
Ngoài ra, để các doanh nghiệp tại Cao Bằng phát triển mạnh hơn nữa thì các Công ty cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh để cùng nhau phát triển, đặc biệt các doanh nghiệp phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với những người tài giỏi đến làm việc tại đơn vị.
Xin cảm ơn ông!