Ngành Thép áp dụng hệ thống quản lý, cải tiến năng suất: Giải pháp then chốt

04/04/2020

(Theo Công thương) Trong bối cảnh ngành thép đang chịu sự cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong và ngoài nước, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là một trong những giải pháp then chốt, giúp doanh nghiệp (DN) đứng vững trên thị trường.

Năm 2020, ngành Thép kỳ vọng có thêm nhiều điều kiện để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, nhất là nguy cơ đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại, cùng các vấn đề phát sinh, trong khi tình trạng mất cân đối cung – cầu trong nước vẫn chưa được cải thiện đang đặt ra yêu cầu đối với ngành Thép Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đổi mới công nghệ, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, để tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trở thành yếu tố then chốt để tạo nên vị thế cạnh tranh của DN. Khi năng suất, chất lượng được bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, tạo điều kiện cho DN chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong thời điểm hội nhập toàn cầu và cạnh tranh gay gắt giữa các DN, việc đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là những giải pháp giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín, hình ảnh của DN trên thị trường.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tân Á Đại Thành

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tân Á Đại Thành

Một trong những DN thép thành công nâng cao năng lực cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng, có thể kể đến Công ty Cổ phần Sản xuất thép Việt Đức. Công ty đã tối ưu hóa năng lực sáng tạo, cải tiến công nghệ. 38 dây chuyền sản xuất của Thép Việt Đức được đầu tư đồng bộ mới 100%, hiện đại và tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay… Công ty cũng kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động quản lý và sản xuất bằng công cụ 5S của Nhật Bản. Cùng với xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO 9001:2015, các sản phẩm thép Mỹ, chữ nhật, thép xây dựng… đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Anh quốc, BS1387 – 1985; Hàn Quốc KSD3586-1986. Việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Đức trên thị trường.

Là một trong 4 DN Việt Nam đạt Giải thưởng Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương GPEA 2019, nhằm đón đầu xu hướng công nghệ, Tân Á Đại Thành đã mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Hà Nam theo định dạng SMART FACTORY với dây chuyền tự động hóa chính xác đạt tiêu chuẩn 4.0, cùng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Italy và các nước G7, công suất lên tới hơn 2 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy này có quy mô khu vực mà Tân Á Đại Thành là một trong số ít các đơn vị sớm áp dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho DN chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu lợi nhuận, thành công của Tân Á Đại Thành là minh chứng điển hình. Nhờ nỗ lực áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại khép kín để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giờ đây, Tân Á Đại Thành đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng kim khí gia dụng và thiết bị ngành nước tại Việt Nam.

Năm 2020, ngành thép được kỳ vọng có thêm nhiều điều kiện để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng sẽ đặt ngành thép Việt Nam trước khó khăn không nhỏ; nhất là nguy cơ đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại, cùng các vấn đề phát sinh, trong khi tình trạng mất cân đối cung – cầu trong nước vẫn chưa được cải thiện.

Nguồn: Công thương